Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

The Grand Budapest Hotel đoạt giải lớn về điện ảnh Anh

The Grand Budapest Hotel đoạt giải lớn về điện ảnh Anh

Tại lễ trao giải thưởng của Viện nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) vừa diễn ra tại London, bộ phim The Grand Budapest Hotel (tạm dịch: Khách sạn đế vương) của đạo diễn Wes Anderson đã có nhiều giải thưởng nhất với chiến thắng tại 5 hạng mục, bao gồm Kịch bản gốc, Thiết kế sản xuất, Thiết kế trang phục, Trang điểm & Làm tóc cùng Nhạc phim xuất sắc nhất.

Lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn Áo - Stefan Zweig, đạo diễn Wes Anderson tiếp tục tạo nên một bộ phim đậm chất tiểu thuyết, khai thác những chủ đề và thể loại chưa từng xuất hiện trong phong cách làm phim của mình. Khách sạn đế vương đúng như tên gọi, thực sự là một tác phẩm “lớn” trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Wes Anderson.



Thay vì đi thẳng vào câu chuyện như thường lệ, đạo diễn Wes Anderson chủ động kể lại bằng thủ pháp “chuyện trong chuyện”. Không chỉ một, mà có đến ba câu chuyện được lồng vào nhau, như một tòa khách sạn nhiều tầng. Tương ứng với mỗi “tầng” lại là một khung hình khác biệt, đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định diễn ra trong phim.

Từ tầng đầu tiên, Wes Anderson đưa người xem đến với nước Cộng hòa Zubrowka giả tưởng. Trên con đường phủ đầy tuyết trắng, một cô bé đang rảo bước đến thăm tượng đài một nhà văn không tên, được xưng tụng là “báu vật quốc gia”. Như một điều đã trở thành thông lệ, cô rút trong túi áo khoác một chiếc chìa khóa rồi treo lên tượng, bên cạnh rất nhiều những chiếc sẵn có khác, sau đó lật cuốn tiểu thuyết của ông ra đọc.

Xem thêm:

Cảnh quay tiếp theo đưa người xem trở về năm 1985, khi nhà văn vĩ đại ấy còn đủ khỏe mạnh để kể lại câu chuyện của mình. Chuyện kể rằng khi còn trẻ, trong một lần ghé chân tại khách sạn Grand Budapest, ông tình cờ gặp gỡ và làm quen với quý ngài Zero Moustafa - ông chủ của khách sạn, từng là người giàu nhất xứ Zubrowka một thời. Vốn sẵn lòng hâm mộ các tác phẩm của nhà văn, ngài Moustafa ngỏ lời mời ăn tối và đồng ý sẽ kể lại câu chuyện của mình cho anh nghe.

Từ đây, vị trí của người kể chuyện được hoán đổi, thời gian tiếp tục lùi về năm 1932, khi chiến trận vẫn còn nổ ra ở Zubrowka, khách sạn Grand Budapest đang ở thời kỳ đỉnh cao và cậu bé Zero Moustafa vừa đến nhận việc với vị trí là một lobby boy. Mặc dù phần lớn câu chuyện kể lại khoảng thời gian làm việc của Zero ở Grand Budapest, vị trí trung tâm lại thuộc về người quản lý tiền nhiệm của khách sạn, ngài Gustave.

Thay đổi phong cách có lẽ là điều không tưởng đối với Wes Anderson, một người cực đoan từ việc đặt máy quay cho đến cách dựng hình. Thế nhưng với Khách sạn đế vương, khác biệt lớn nhất trong cách kể chuyện của ông là việc cắt giảm không gian khung hình.

Toàn bộ câu chuyện của Zero, cũng là nội dung chính của bộ phim, được quay ở chế độ 4:3 - tỷ lệ chuẩn mực của các bộ phim câm trắng đen thời xưa. Cách thiết lập này tạo cảm giác hoài cổ đúng với thời điểm xảy ra câu chuyện, đồng thời cho phép đạo diễn phô bày thẩm mỹ tinh xảo của mình một cách trọn vẹn. Sau hàng loạt tràng cười giòn giã, Wes Anderson kết phim bằng chút gia vị của nỗi buồn, như để cân bằng cảm xúc người xem.
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét